
Hút cần sa thường xuyên có hại cho sức khỏe không?
Cần sa là chất thuộc Bảng Một của Ðạo Luật về Các Chất Cần Được Quản Lý (CSA – the Controlled Substance Act). Các chất thuộc danh sách của Bảng Một được xếp loại có khả năng lạm dụng cao, hiện không được dùng làm thuốc chữa bệnh ở Hoa Kỳ và không bảo đảm mức độ an toàn khi dùng làm thuốc hay dược chất dưới sự kiểm soát của các y bác sĩ. Cần sa là một loại ma túy lậu được sử dụng nhiều nhất tại Hoa Kỳ – với số con nghiện hiện nay vào khoảng 14 triệu người, dân xài Cần sa chiếm 10.7 triệu. Sáu chục phần trăm số người này hiện đang được điều trị là do sử dụng cần sa. Hiện có khoảng 4.6 triệu dân Mỹ đau khổ vì nghiện ngập và lạm dụng ma túy; hai phần ba số người này nghiện hoặc sử dụng cần sa.
Cần sa có chất tetra-hydro-cannabinol (THC) giống như thuốc lá có chất nicotine; cả hai mang lại khoái cảm cho người dùng. Người ta hút một điếu thuốc lá, chỉ cần bảy giây đồng hồ là chất nicotine thấm tới các mạch thần kinh óc, còn nhanh hơn là tiêm chích thẳng vô mạch máu. Có quan niệm cho rằng hút cần sa gây nguy hại ít hơn thuốc lá. Cần sa có khả năng trị liệu một số bệnh như ung thư, co giật bắp thịt, đau nhức, còn thuốc lá thì không. Nhưng nếu dùng cần sa có lượng THC cao và dùng lâu dài thì chất nhựa cần sa cũng có thể gây các chứng nguy hại đường hô hấp như ung thư phổi, suyễn, sưng cuống phổi, nhiễm trùng xoang mũi, rát cổ họng như thuốc lá. Ngoài ra ảnh hưởng của nó có thể làm hại đến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và khả năng suy luận. Với người hút phái nữ, cần sa có thể làm xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt trong khi nó có thể làm giảm số lượng cũng như phẩm chất tinh trùng nơi phái nam.
Tuy vậy, cần sa đã từng được dùng trong y học cho mục tiêu chữa trị bệnh tật từ gần 5,000 năm nay như các chứng đau đường tiêu hóa, mất ngủ, nhức đầu và chống đau. Mãi cho đến năm 1853, Charles Gerhardt, một nhà hóa học người Pháp tìm ra được công thức chế thuốc chống đau nhức. Năm 1894, một nhà hóa học khác, người Ðức, tên Felix Hoffman mô phỏng theo công thức trên và chế tạo ra hợp chất acetylsalicylic acid; và viện bào chế Bayer đặt cho nó thương hiệu aspirin. Aspirin đi vào đời sống từng mỗi con người chúng ta từ đó và cũng là sự khởi đầu cho một nền kỹ nghệ chế tạo dược phẩm nhân tạo bằng những chất hóa học tiến triễn nhanh chóng không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, cần sa và dược tính của nó vẫn được nhìn nhận, và tác giả cuộc thí nghiệm là tiến sĩ Anju Preet thuộc trường đại học Harvard ở Boston nói rằng cần phải có thêm các cuộc nghiên cứu nữa.
Theo bài viết “Vài Hiểu Biết Căn Bản Về Cần Sa”, bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho biết, “Việc dùng cần sa với mục đích y học hiện đang là đề tài thảo luận, bàn cãi của nhiều giới chức trong cũng như ngoài ngành y khoa với nhiều ý kiến chống và thuận, chưa ngã ngũ. Thực ra, cần sa đã được dùng để chữa bệnh từ thuở xa xưa. Theo y học Trung Hoa, vua Thần Nông gọi cần sa là “Thượng Thảo” vì công dụng chữa được nhiều bệnh. Dân Hy Lạp dùng cần sa để trị bệnh đau tai, phù thủng; Ai Cập để chữa đau mắt. Hoa Đà cho người bệnh sắp giải phẫu dùng cần sa để bớt cảm giác đau. Ấn Độ xưa chế thuốc viên gồm cần sa với đường để người uống cho vui đời hơn. Tại nhiều quốc gia, cần sa đã và vẫn được dân gian dùng để chữa các bệnh như nhiễm trùng tiểu tiện, đau ngực, mất ngủ, phong thấp khớp, tiêu chảy, ho suyễn, nhức đầu, lở bao tử, ung bướu.”
Lợi bất cập hại
Từ một loài cây mọc hoang, cây cần sa đã đi vào đời sống con người một cách thân thiết. Với những đặc tính tự nhiên của nó, cây cần sa vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại; tất cả sự lợi hay hại nầy cũng đều do con người dùng nó mà ra.
Chất THC trong cần sa có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác đẹp, huyền ảo. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp từ tám đến mười lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp ba đến bốn lần nhựa cần sa. Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi việc trồng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cần sa là bất hợp pháp.
Một số nước, trong đó có nước Mỹ đang báo động về sự lan tràn của cần sa trong giới trẻ. Từ năm 1995 đến năm 2001, số lượng người gặp biến chứng nặng do dùng cần sa phải điều trị lâu dài trong các cơ sở y tế của toàn nước Mỹ đã tăng từ 15,706 lên 87,180 người, hai phần ba số người nghiện nầy dưới hai mươi tuổi. Nhiều thanh niên cho là cần sa tuy “phê” nhưng thuộc loại ma túy dạng nhẹ, muốn bỏ lúc nào cũng được. Nghiện cần sa đúng là không gây vật vã như heroin, khi thiếu thuốc nhưng cũng tạo cảm giác nhạt miệng, ngứa ngáy, nóng nảy…, lâu ngày thành quen khó bỏ, chưa kể nhiều người dần dần thấy cần sa quá nhẹ, không đủ lượng kích thích thần kinh nên phải tìm đến các loại ma túy khác mạnh hơn mới cảm thấy thỏa mãn. Như trên đã nêu, nguy hại của cần sa là do THC. Nồng độ THC của cần sa mỗi nơi trên thế giới mỗi khác và ngày càng tăng lên do kỹ thuật trồng trọt ngày càng được cải thiện. Mỗi một độ THC tăng lên là làm tăng mức độ lệ thuộc vào cần sa với người sử dụng, chưa kể THC gây biến chứng cho hệ thống hô hấp gấp bốn lần so với thuốc lá, tạo cho triệu chứng ung thư cũng tiến triển nhanh hơn.
Trong một bài viết mục Sức Khỏe Đời Sống của Phạm Kiện trên trang nhà vndoc.com, hai cuộc nghiên cứu rộng lớn vừa mới được tiến hành ở Tân Tây Lan và Thụy Điển về ảnh hưởng của việc hút cần sa đến sức khỏe tâm thần. Cuộc khảo sát ở Tân Tây Lan được thực hiện trên một ngàn người, tuổi từ 11 đến 26; còn ở Thụy Điển trên 50,000 người sử dụng cần sa, đã đưa ra khuyến cáo: thói quen hút cần sa làm đột biến sự tiến triển của bệnh tâm thần ở người dễ mắc bệnh, nhất là trạng thái tâm thần phân liệt (tất nhiên không phải ai hút cần sa cũng đều bị tâm thần phân liệt cả), chưa kể cần sa gây cho người hút trạng thái ngất ngây, dễ bị kích động nên nhiều trường hợp gặp nạn bị thương, người nghiện vẫn mơ màng không ý thức thực tại và không cảm thấy đau đớn.
Theo một tài liệu ở Mỹ, 16% vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng đều có nguyên nhân do tài xế sử dụng cần sa khi điều khiển phương tiện chuyên chở, nếu kết hợp uống rượu thì sẽ tăng gấp nhiều lần gây ra tai nạn.
Về các lợi ích của cần sa, một số công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của cần sa như giảm đau, ngăn nôn mửa, kích thích đói, làm giãn phế quản cho người bị bệnh suyễn, chống co thắt trong bệnh Parkinson và xơ mảng, giãn mạch trong bệnh tăng nhãn áp. Chất THC có trong cần sa được chế thành thuốc dronabinol qua các tên deltanyne, marinol, v.v. Tạp chí Nature Medicine (3/2000) đã đăng công trình nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy, chất THC có làm giảm khối u não trên chuột thử nghiệm (đạt hiệu quả trên 1/3), mở đường cho khả năng chữa trị bệnh u thần kinh đệm ở người (dạng u não phổ biến nhất). Dược chất này còn giúp kiểm soát chứng co thắt và chứng xung ở chuột thí nghiệm bị xơ mảng.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện đại học Harvard đã phát hiện chất THC ở cần sa, không những có khả năng ức chế sự phát triển của khối u mà còn ngăn chặn sự lan rộng. Qua thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy khi tiêm một liều chuẩn THC vào chuột được cấy tế bào ung thư phổi, sau 3 tuần điều trị, khối u đã giảm đi một nửa so với nhóm đối chứng. Ở Tây Ban Nha, tháng 11/1999, Chính phủ đã quyết định cho phép nghiên cứu tác dụng trị bệnh của cần sa. Ở Mỹ, Chính phủ liên bang đã cấp tổng cộng 8 giấy phép đặc biệt cho phép 8 bệnh nhân dùng cần sa để chữa bệnh. Hiện nay đã có 35 bang thông qua đạo luật ủng hộ việc sử dụng cây cần sa vào mục đích y học.
Nói tóm lại, cần sa cũng như nhiều dược chất khác, có lợi mà cũng có hại, tùy trường hợp người dùng nó đúng vào mục đích chữa bệnh hay không và có lạm dụng quá mức hay không.
28 năm kinh nghiệm ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CHẤT
Trực tiếp tư vấn và điều trị nghiệnrượu, nghiện heroin, các rối loạn tâm thần do sử dụng cần sa,ketamin, matúy đá (nghiệnđá, ngáo đá), thuốc lắc.
Tiến sĩ Trần thị Hồng Thu - 0988 079 038 - 0916 316 028