
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN LIỆU PHÁP NALTREXONE
1.Quá trình hình thành và phát triển liệu pháp Naltrexone trên thế giới
- Martin (Mỹ) là tác giả đầu tiên đã nghiên cứu thành công liệu pháp Naltrexone (1973) (9 năm sau khi Vincent Dole và Marie Nyswander sáng lập ra liệu pháp Methadone năm 1964).
- Từ 1966 Martin đã đề xuất ý kiến thử nghiệm các chất đối kháng các dạng thuốc phiện để điều trị nghiện heroine.
- Naloxone là chất được thử nghiệm đầu tiên. Nhận thấy Naloxone có thời gian tác dụng ngắn và hấp thu qua đường uống kém nên tác giả chuyển qua nghiên cứu Cyclazocine.
- Cyclazocine hấp thu qua đường uống tốt, thời gian tác dụng tương đối dài nhưng có nhiều tác dụng phụ, nhất là gây rối loạn khí sắc rất khó chịu nên cuối cùng tác giả chuyển sang nghiên cứu Naltrexone.
- Naltrexone kết hợp dược tính đối kháng mạnh của Naloxone với tính hấp thu tốt qua đường uống và tác dụng kéo dài của Cyclazocine.
- Năm 1973 Martin công bố kết quả bước đầu của liệu pháp Naltrexone để loại trừ cảm giác thèm các dạng thuốc phiện.
Naltrexone vào hệ thần kinh trung ương tìm đến các thụ thể muy và kaka ở não, cạnh tranh với các dạng thuốc phiện chủ vận ở đấy, đẩy chất chủ vận ra ngoài hay triệt tiêu tác dụng của chất này ngay tại thụ thể muy và kaka. Khi đối tượng đang sử dụng các dạng thuốc phiện mà sử dụng Naltrexone thì cơ chế tác động trên sẽ gây trạng thái cai các dạng thuốc phiện cấp, mãnh liệt với cảm giác rất khó chịu và nhiều rối loạn cơ thể khác nhau. Do vậy liệu pháp Naltrexone ít hấp dẫn với nhiều đối tượng nghiện các dạng thuốc phiện.
- Do vậy ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác, nói chung liệu pháp Naltrexone ít được sử dụng hơn liệu pháp Methadone. Tuy nhiên vẫn có nơi ngược lại: Ở Lisbon (Bồ Đào Nha), năm 1993 có 26,1% người nghiện các dạng thuốc phiện được điều trị bằng Naltrexone và chỉ 11,5% người nghiện các dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone (Patricis và Miguel).
- Với thời gian, liệu pháp Naltrexone ngày càng được nhiều tác giả cải tiến, nhất là được hỗ trợ bằng các liệu pháp tâm lý nên các kết quả công bố thành công ngày càng cao, số bệnh nhân hưởng ứng ngày càng nhiều.
- Năm 1980, Viện Nghiên cứu Lạm dụng chất Hoa Kỳ (NIDA) đã hoàn thành đánh giá điều trị cai nghiện các dạng thuốc phiện bằng Naltrexone và năm 1984 FDA Hoa Kỳ đã chấp thuận Naltrexone được sử dụng để điều trị chống tái nghiện các dạng thuốc phiện và tương tự năm 1995 để điều trị chống tái nghiện rượu.
- Nghiên cứu của Kleber (1981) trên 2 nhóm bệnh nhân điều trị bằng Naltrexone. Trong tháng đầu, nhóm không kết hợp với liệu pháp gia đình bỏ điều trị 92%, nhóm có kết hợp liệu pháp gia đình chỉ 62% bỏ điều trị.
- Nghiên cứu của Washton (1984) trên 129 bệnh nhân nghiện heroine có động cơ điều trị trị mạnh (nếu không điều trị tốt có nguy cơ mất việc hay bị giam): sau 6 tháng điều trị bằng Naltrexone chỉ có 18% tái nghiện.
- Trong thập kỷ qua, nhiều tác giả và nhiều nước đã bắt đầu quay trở lại với liệu pháp Naltrexone: Ở Úc lần đầu tiên năm 1998 một kết quả thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Naltrexone đã công bố kết quả khả quan. Và 1 năm sau (1999) cơ quan có thẩm quyền của chính phủ Úc chính thức cho phép sử dụng liệu pháp Naltrexone cũng như đã cho phép sử dụng liệu pháp thay thế bằng Methadone từ năm 1999 (James Bell và cộng sự 2003).
- Ở nước ta, liệu pháp Methadone được nghiên cứu áp dụng thí điểm từ năm 1996 và liệu pháp Naltrexone từ năm 2002. Naltrexone được phép sử dụng từ năm 2006.
2.Quá trình hình thành và phát triển liệu pháp Naltrexone ở Việt Nam
- Sau khi hoàn thành nghiên cứu điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone và báo cáo kết quả khả quan với Bộ Y tế, từ tháng 02/2002 được sự tài trợ của công ty dược phẩm Medochemie (Cộng hòa Síp), Viện SKTT đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả chống tái nghiện các dạng thuốc phiện của Naltrexone (Abernil) do công ty dược Medochemie sản xuất (GPNK: VN 5900-01). Nghiên cứu được thực hiện tại Viện SKTT, bệnh nhân tới uống ngoại trú 3 lần / tuần kết hợp với tư vấn, can thiệp gia đình và liệu pháp nhận thức hành vi trong thời gian 6 tháng trên 46 bệnh nhân nghiện các dạng thuốc phiện đã được cắt cơn (7 ngày với heroin, 9 ngày với Methadone), nghiên cứu mở, dọc từ đối chứng trước sau điều trị và so sánh với nghiên cứu Methadone trước đó. Kết quả cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị sau 1 tháng là 8,16%, sau 3 tháng 14,28%, sau 6 tháng 36,73%; các hành vi nguy cơ cao như tiêm chích các dạng thuốc phiện, quan hệ tình dục không an toàn ngừng hẳn trong suốt quá trình điều trị; các tác dụng không mong muốn đều thấp hơn so với dược điển Vidal và không phải can thiệp gì, các triệu chứng này mất hết sau 5 tháng điều trị, duy chỉ có triệu chứng tăng tiết mồ hôi còn 2,43%. Kết quả đáng khích lệ này đã được báo cáo tại hội thảo ở Hà Nội tháng 06/2003 và Tp. Hồ Chí Minh tháng 06/2004 do Viện SKTT và công ty dược phẩm Medochemie tổ chức.
- Nguyễn Thị Mỹ Châu và cộng sự ở Trung tâm Xanh Tp. Hồ Chí Minh: trên 106 bệnh nhân được điều trị bằng Naltrexone kết hợp liệu pháp nhận thức hành vi cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị từ 3 - 6 tháng là 89,2%, trước 6 tháng là 94,8% (báo cáo tại hội thảo ở Tp. Hồ Chí Minh tháng 06/2004).
- Nguyễn Minh Tuấn, Trần Viết Nghị, Thân Văn Tuệ nghiên cứu trên 384 bệnh nhân từ tháng 5/2002 - 8/2004 (Naltrexone kết hợp liệu pháp gia đình và nhận thức hành vi) cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị trước 6 tháng là 32,3%.
- Ngô Thanh Hồi, Ngô Thúy Ái, Nguyễn Thị Thái báo cáo tại hội thảo BV Bạch Mai tháng 6/2005 cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị trước 6 tháng là 67,1%.
- Nguyễn Minh Tuấn, Trần Viết Nghị, Thân Văn Tuệ đánh giá tình trạng tái nghiện heroine sau 6 tháng người điều trị bằng Naltrexone (Abernil) trên 274 bệnh nhân cho thấy: có 81,82% người có thời gian điều trị dưới 6 tháng bị tái nghiện và có 65,56% trả lời vẫn còn thèm nhớ CDTP sau khi ngừng điều trị; có 50,84% người có thời gian điều trị từ 6-12 tháng đã bị tái nghiện và có 42,62% trả lời vẫn còn thèm nhớ các dạng thuốc phiện sau khi ngừng điều trị; chỉ có 36,36% người có thời gian điều trị trên 1 năm đã bị tái nghiện và không ai trong số họ còn thèm nhớ các dạng thuốc phiện.
- Trần Viết Nghị, Trần Văn Cường, Nguyễn Mạnh Hùng và cộng sự (đề tài cấp Bộ). Nghiên cứu phác đồ sử dụng thuốc Danapha - Natrex 50 điều trị chống tái nghiện ma túy nhóm Opiats (từ tháng 11/2005 đến tháng 3/2006) trên 34 bệnh nhân được điều trị ngoại trú, tỷ lệ bỏ điều trị trước 1 tháng là 14,71%.
- Nguyễn Hữu Khánh Duy, Lê Thị Kim Thi và các cộng sự Trung tâm Điều dưỡng & Cai nghiện Ma túy Thanh Đa đã triển khai điều trị bằng thuốc Naltrexone cho 275 học viên từ tháng 07/2008. Tỷ lệ bỏ điều trị sau 18 tháng là 25,45% (Khảo sát đánh giá từ 25/07/2008 đến 25/12/2009).
28 năm kinh nghiệm ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CHẤT
Trực tiếp tư vấn và điều trị nghiện rượu, nghiện heroin, các rối loạn tâm thần do sử dụng cần sa, ketamin, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc.
Tiến sĩ Trần thị Hồng Thu 0988 079 038 - 0916 316 028